Điều này cần hết sức thận trọng, vì mục tiêu thẩm mỹ thực chất chỉ là mục tiêu phụ, đi sai hướng chẳng những không giảm được cân hoặc thay vì đẹp hơn lại có khi trở nên xấu hơn (da nhăn, rụng tóc), phát sinh bệnh (đau dạ dày, thiếu máu xanh xao) hoặc buồn hơn (giảm khả năng làm việc, tính tình cáu bẳn và bị ám ảnh tâm lý về chuyện ăn uống). Chưa kể, việc giảm cân nhanh rất dễ tăng cân sau đó.
BS Đào Thị Yến Phi – Chủ nhiệm bộ môn Dinh dưỡng, Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch TP.HCM khuyến cáo, để giảm cân chỉ nên giảm tối đa nửa kg mỗi tuần. Và phải nhớ, giảm cân là giảm tế bào mỡ chứ không phải bỏ đói những tế bào “tội nghiệp” như: tế bào tim, não, thận, gan… Hơn nữa, giảm mỡ là giảm toàn thân chứ không thể giảm ở một vị trí nào đó. Một chương trình giảm cân bao gồm bốn hoạt động chính: ăn kiêng, vận động thể lực, điều chỉnh hành vi và tâm lý, các biện pháp hỗ trợ (thuốc, phẫu thuật…).
![]() |
Ảnh: Internet |
1. Ăn kiêng: cơ bản nhất là không bỏ đói, cung cấp đủ nhu cầu về các protein cần thiết, vitamin và khoáng chất; ăn nhiều vào buổi sáng và giảm về chiều tối, giảm các loại thức ăn cung cấp nhiều năng lượng… Đặc biệt, sữa là một loại thực phẩm rất tốt cho người cần giảm cân. Lưu ý, người ăn kiêng vẫn cần các chất đạm và khoáng chất để phát triển chiều cao (ở trẻ em) và bảo vệ bộ xương. Nên dùng loại sữa không béo để giảm bớt năng lượng từ chất béo mà vẫn đảm bảo các thành phần dinh dưỡng khác. Người bệnh cũng không nên nhịn uống nước trong khi đang thực hiện chế độ ăn và vận động để giảm cân. Cần nhớ, nước hoàn toàn không có năng lượng nên không thể làm tăng cân. Ngược lại, cơ thể cần có nước làm môi trường thuận lợi cho các phản ứng phân hủy chất mỡ dự trữ để tạo năng lượng. Điều quan trọng là nên ăn chậm và nhai kỹ để dạ dày có đủ thời gian để “báo” cho não biết đã… no rồi.
2. Tập luyện: nhằm mục đích tiêu hao năng lượng dự trữ dưới dạng mô mỡ, làm tăng khối cơ bắp và khối xương, qua đó làm giảm các vùng lỏng lẻo của cơ thể, hạn chế phát triển của các tế bào mỡ, cần chọn cách vận động phù hợp với tình trạng sức khỏe, nhu cầu, ý thích, điều kiện kinh tế, thời gian làm việc… Nhờ vậy mới đảm bảo chế độ vận động được thực hiện đúng theo yêu cầu và duy trì lâu dài.
Thông thường mỗi lần tập, năng lượng tiêu hao tối thiểu phải đạt là 300 Kcalo mới có thể đạt hiệu quả giảm cân. Nói chung nên tập đến khi thở nhanh, vã mồ hôi nhiều, tim đập nhanh. Mỗi tuần nên tập tối thiểu ba – bốn lần. Tập thiếu thời gian thường không mang lại hiệu quả tiêu bớt mỡ thừa, ngược lại chỉ có tác dụng kích thích tiêu hóa, ăn uống ngon miệng hơn. Lưu ý không hạn chế uống nước khi tập. Hạn chế uống nước thường gây cảm giác giảm cân ảo do mất nước nhưng rất nguy hiểm vì sẽ làm xáo trộn cân bằng sinh lý của cơ thể, ảnh hưởng đến hoạt động của nhiều cơ quan, bộ phận trong cơ thể. Ngoài tập luyện cần phải chú ý đến hoạt động vận động như: đi nhanh, đi bộ nhiều, năng động, hoạt bát…
3. Thay đổi hành vi và tâm lý liệu pháp: nguyên tắc của liệu pháp này là giúp bệnh nhân thay đổi các quan điểm và thói quen có liên quan đến ăn uống và vận động, tập luyện thói quen mới, điều trị các bệnh lý tâm lý dẫn đến tình trạng háu ăn, cuối cùng là củng cố tâm lý quyết tâm giảm cân.
4. Các biện pháp hỗ trợ khác như phẫu thuật thu nhỏ dạ dày, đặt bóng dạ dày hoặc uống thuốc giảm cân, hút mỡ theo chỉ định của bác sĩ.
Ngọc Hà (ghi)