[123Suckhoe] – Quy luật của tự nhiên, cơ thể người nào rồi cũng sẽ già đi theo năm tháng. Tuy nhiên, nếu biết cách sống, thì dù lớn tuổi, vẫn chưa hẳn là đã già.
Tốc độ già của mỗi người khác nhau
Khi con người ta ở tuổi còn xuân, tràn đầy sức sống, ít người nghĩ đến ngày lớn tuổi, sức khỏe yếu và bệnh tật. Các nhà chuyên môn cho rằng, tạo hóa đã sinh ra như vậy rồi, thì hãy chấp nhận, đừng bi quan, chán nản mà hãy sống vui, sống khỏe, sống có ích cho đời.
Nhờ điều kiện sống, những tiến bộ y học, đã giúp tuổi thọ của con người ngày càng cao, dẫn đến tỷ lệ người cao tuổi ngày một nhiều hơn. Ngày nay trong công tác chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi, người ta không những quan tâm đến tuổi thọ, mà còn phải quan tâm đến chất lượng cuộc sống cho người cao tuổi.
“Có nên bi quan về tuổi già không?”, theo bác sĩ Nguyễn Bá Nhuận (Bệnh viện Chợ Rẫy, TP.HCM) thì, tình trạng cơ thể con người già đi theo tháng năm là một hiện tượng tự nhiên, liên quan chặt chẽ với quá trình biệt hóa và trưởng thành. Tăng trưởng và thoái trưởng kế tiếp nhau theo một chương trình của sự phát triển quy luật sinh-lão-bệnh-tử cho từng cá thể, không ai là không trải qua những giai đoạn này. Tuy nhiên, tốc độ của sự phát triển theo chương trình không giống nhau và chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố nội tại và ngoại lai. Nói một cách khác, tuy già là một hiện tượng không tránh được, nhưng quá trình rất khác nhau về thời gian và sự biểu hiện ở từng người. Già có thể đến sớm hoặc nhanh dẫn đến lão suy ở người này, nhưng cũng có thể đến muộn, tốc độ già chậm và người trông vẫn còn trẻ, khỏe cả khi tuổi đã cao ở người khác.
70 chưa phải là già!
Người ta có thể vẫn có nhiều tuổi nhưng chưa già. Nhận xét đó làm nhiều nhà khoa học nghiên cứu lão khoa tin rằng: có thể có những biện pháp kéo dài tuổi thọ mà vẫn sống khỏe mạnh. Để nắm vững được thế nào là già, các nhà khoa học đã nghiên cứu qua các số liệu điều tra dân số của các nước trên thế giới, và phân chia các giai đoạn tuổi của cuộc đời gồm: giai đoạn phát triển – từ lúc mới sinh đến 20-22 tuổi; giai đoạn thanh niên (từ 22-45 tuổi); giai đoạn trung niên (từ 46-59 tuổi); thời kỳ trước già (từ 60- 80 tuổi); thời kỳ già có 2 thời kỳ là, thời kỳ già còn hoạt động (là từ 80-94 tuổi) và thời kỳ già hẳn (từ 95 tuổi trở lên). Tổ chức Y tế thế giới – WHO thì sắp xếp các giai đoạn tuổi như sau: 45-59 tuổi là tuổi trung niên; 60-79 tuổi là người có tuổi; 75-90 tuổi là người già; còn 90 tuổi trở lên là người già sống lâu.
Theo bác sĩ Nguyễn Bá Nhuận, sau thời kỳ tăng trưởng là một thời gian cao nguyên tương đối dài, tương ứng với tuổi trưởng thành có thể đến khoảng 50 tuổi. Đến tuổi này phụ nữ có thời kỳ mãn kinh, còn nam giới có thời kỳ tắt dục nam. Trong quá trình sống, ngay từ tuổi 50, hiện tượng lão hóa đã bắt đầu diễn tiến trong từng mô, từng cơ quan của cơ thể. Sự thoái hóa tuổi già không xảy ra đồng loạt mà có thể xuất phát ở cơ quan này trước bộ phận khác, mức độ ít nhiều phụ thuộc vào điều kiện sống, làm việc, chế độ nghỉ ngơi, chế độ ăn uống dinh dưỡng, hoàn cảnh sinh hoạt, tập luyện hằng ngày… Tuy nhiên, tình trạng lão hóa xảy ra ở hệ tim mạch, hệ xương khớp, hệ thần kinh, hệ nội tiết và miễn dịch là đáng quan tâm nhất.
Sinh-lão-bệnh-tử ai cũng sẽ trải qua. Bác sĩ Nguyễn Bá Nhuận cho rằng, những ai đã bước vào tuổi sắp già, hãy sống vui, sống khỏe, sống có ích, đảm bảo tốt chế độ ăn uống, chế độ sinh hoạt và tập luyện đều đặn, chế độ làm việc, kiểm tra sức khỏe định kỳ để phát hiện, ngăn ngừa và điều trị sớm bệnh sẽ thấy mình không già…