Thật khó có thể tin rằng chỉ một vật nuôi nhỏ bé trong gia đình như mèo lại có thể khiến cho con bạn bị ốm trong một khoảng thời gian dài. Một dạng bệnh nhiễm trùng có tên là bệnh do mèo cào (cat-scratch disease – CSD) sẽ khiến trẻ bị ốm từ hàng tuần lễ tới hàng tháng trời, chỉ bởi một lý do là trẻ bị mèo cào hoặc cắn. Hầu hết các trường hợp mắc bệnh đều dưới 20 tuổi.
Nguy hiểm không lường bệnh do mèo cào
Bệnh mèo cào gây ra bởi một vi khuẩn có tên là Bartonella henselae, truyền sang cho người qua vật trung gian là những con mèo trông có vẻ khỏe mạnh nhưng thực tế đã bị nhiễm loại vi khuẩn này. Bệnh này phát tán từ mèo sang mèo qua những con bọ chét sống ký sinh trên lông mèo, tuy nhiên nó không thể lây từ người sang người.
Thông thường các triệu chứng đầu tiên sẽ xuất hiện sau 1 tuần hoặc nhiều hơn kể từ khi người bị mèo cào, đôi khi sau khoảng 1 tháng rưỡi.
Dấu hiệu và triệu chứng
Dấu hiệu phổ biến nhất của bệnh mèo cào là sưng một hay nhiều hạch bạch huyết. Hạch bị sưng có thể nằm ở nách, cổ hoặc háng. Trong hầu hết các trường hợp, trẻ sẽ bị một vết loét nhỏ trên da ở khu vực bị mèo cào, cắn. Vết sưng loét thường xuất hiện từ 1 – 2 tuần trước khi hạch bạch huyết bị sưng và có thể kéo dài tới vài tuần.
Vùng da ở ngoài vị trí hạch bạch huyết bị sưng thường nóng, đỏ, cứng và đau khi chạm vào. Trẻ cũng xuất hiện các triệu chứng khác như sốt, đau đầu, mệt mỏi và giảm vị giác.

Trong một số ít trường hợp, những trẻ mắc bệnh mèo cào – tiêu biểu là những đối tượng có hệ miễn dịch yếu như mắc bệnh ung thư, nhiễm HIV hay phải cấy ghép cơ quan – có thể xuất hiện nhiễm trùng ở những bộ phần khác của cơ thể. Một số trẻ mặc dù hệ miễn dịch vẫn bình thường nhưng có thể bị nhiễm trùng tại gan và lách. Những trẻ này thường bị sốt kéo dài không rõ nguyên nhân. Hiếm gặp hơn, trẻ mắc bệnh mèo cào còn bị viêm não, viêm võng mạc mắt, nhiễm trùng xương, viêm phổi, hoặc hồng ban dạng nút trên da.
Một biến chứng hiếm gặp khác là viêm kết mạc mắt hạch có thể xảy ra khi vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể qua mí mắt. Trong trường hợp này, lớp niêm mạc bên trong mí mắt và/hoặc kết mạc mắt đều bị đỏ. Hạch bạch huyết ở phía trước tai cùng bên với mắt bị trẻ khuẩn sẽ bị sưng lên.
Xử trí khi trẻ bị mèo cào
Nếu trẻ bị mèo cào hay cắn, hãy rửa vết thương bằng nước sạch và xà phòng ngay lập tức.
Khi nào nên cho trẻ đi khám
Hãy đưa trẻ tới bệnh viện ngay nếu trẻ xuất hiện triệu chứng sưng hạch bạch huyết.
Chẩn đoán
Bác sỹ sẽ chẩn đoán dựa vào quan sát vết thương ngoài da và đánh giá tình trạng sưng của hạch bạch huyết. Các xét nghiệm máu cũng được thực hiện để phát hiện các kháng thể trong máu có liên quan đến căn bệnh này và tìm vi khuẩn.
Điều trị
Mục tiêu để giảm nhẹ các triệu chứng của trẻ. Nếu trẻ bị đau, hạch bạch huyết mưng mủ, bác sỹ sẽ sử dụng kim tiêm dẫn lưu mủ để giúp giảm đau.
Bác sỹ cũng sẽ kê kháng sinh để trẻ nhanh hồi phục.
Tiên lượng bệnh
Tình trạng nhiễm trùng và sưng hạch bạch huyết thường sẽ tự hết trong vòng 2 – 4 tháng ngay cả khi không cần điều trị.
Phòng bệnh
Dạy trẻ cách tiếp xúc với động vật, khuyên trẻ không nên trêu chọc, ôm ấp hay bắt giữ những con mèo hoang, mèo không rõ xuất xứ.
Tham khảo thêm bài viết: Cách xử trí vết thương chó hoặc mèo cắn