Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), sốt mò là bệnh truyền từ ấu trùng mò nhiễm R.orientalis đốt và truyền bệnh sang người; bệnh không truyền từ người sang người. Nhiều bệnh nhân mắc bệnh sốt mò khó tìm ra nguyên nhân nhưng rất dễ tử vong nếu không được phát hiện kịp thời.
Bệnh nhân bị sốt mò sẽ ủ bệnh trung bình từ 8-12 ngày. Lúc đầu tại nơi ấu trùng mò đốt có một nốt phỏng nước bằng hạt đỗ, không đau nên bệnh nhân thường không chú ý.
Tuy nhiên sau vài ngày, bệnh phát ra với những triệu chứng như: Sốt cao từ 38 – 40 độ C, sốt liên tục, kéo dài trong khoảng 15-20 ngày, thậm chí tới 27 ngày nếu không điều trị. Trong 1-2 ngày đầu có thể sốt rét run, kèm theo nhức đầu nặng, đau mỏi cơ.
HÌNH MINH HOẠ.
Những biểu hiện bên ngoài bệnh sốt mò là xuất hiện các nốt loét đặc trưng của bệnh ở những vùng da mềm, ẩm như: Bộ phận sinh dục, vùng hạ nang, hậu môn, bẹn, nách, cổ… Thậm chí ở vị trí bất ngờ trong vành tai, rốn, mi mắt (dễ nhầm với lẹo mắt).
Những nốt loét này không đau, không ngứa; người bệnh thường chỉ có một nốt, hình tròn hoặc bầu dục, đường kính 1mm – 2 cm. Nốt phỏng ban đầu phát triển dần thành dịch đục, sau 4 – 5 ngày vỡ ra.
Ngoài ra, bệnh nhân có hiện tượng nổi ban sau khi sốt khoảng 1 tuần, nốt ban thưa hơn so với xuất huyết Dengue. Ban mọc khắp người, trừ lòng bàn tay bàn chân, tồn tại vài giờ đến 1 tuần.
Đồng thời xuất hiện hạch cùng lúc với sốt hoặc sau khi sốt 2- 3 ngày tại khu vực nốt loét, khi sờ vào thường có cảm giác sưng và đau.
Với những bệnh nhân bị nặng thường có biểu hiện: Tiếng tim mờ, huyết áp thấp, mạch chậm so với nhiệt độ, chảy máu cam, viêm phế quản, viêm phổi không điển hình…
Một vấn đề khá nan giải là bệnh sốt mò còn không có biểu hiện nốt loét nên rất khó phát hiện. Người bệnh phải được điều trị bằng kháng sinh thích hợp. Nếu can thiệp muộn hoặc không hiệu quả có thể có biến chứng như: Viêm cơ tim, sốc nhiễm khuẩn, viêm phổi, suy hô hấp, viêm não, viêm màng não… rất nguy hiểm.
Ấu trùng mò là loài thuộc họ ve bét, lớp nhện, ngành chân đốt, kích thước bé dưới 1 mm, màu sắc vàng, da cam; còn gọi là mò đỏ. Ở giai đoạn ấu trùng, mò thường ký sinh ở chuột, thú nhỏ và có khả năng đốt người.
Cách phòng bệnh:
Ngăn ngừa mò đốt bằng cách: Tránh ngồi, nằm, hoặc phơi quần áo, đặt balô trên bãi cỏ, gần bờ bụi, gốc cây. Khi đi phát nương, làm rẫy, hành quân dã ngoại, trinh sát vào rừng cần mang giầy và tất, chít ống quần để tránh mò bám vào cơ thể và đốt.
Tẩm quần áo bằng thuốc diệt mò (permethrine và benzyl benzoat) hoặc xoa chân tay bằng thuốc xua mò (diethyltoluamid, DEET).
Diệt mò ở môi trường bằng cách phun thuốc diệt mò như: Diazinon, fenthion, malathion, lindane, dieldrin, chlordan… vào đất ẩm, bờ bụi cây cỏ cao dưới 20 cm quanh nhà, nơi râm mát.
Tiến hành diệt chuột – loài vật chủ cho ấu trùng mò ký sinh.
Phát quang bụi rậm, vệ sinh môi trường tránh cho mò làm tổ.
Tường Vy (T/H)
Dịch vụ Bác sĩ Gia đình Việt Nam: http://bacsigiadinhvietnam.com/