Cúm A/H1N1 trở lại: Người bệnh nào dễ gặp biến chứng?

Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư vừa tiếp nhận một sản phụ 24 tuổi, ở Hà Nội, đang có thai 30 tuần, nhiễm cúm A/type H1N1 (chủng virut cúm xuất hiện năm 2009, bắt đầu ở Mexico).

Theo ông Nguyễn Trần Hiển, viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư, phụ nữ có thai, bệnh nhân mắc bệnh mãn tính như tiểu đường, hen phế quản, phổi mãn tính, tim… là những nhóm dễ bị biến chứng nguy hiểm nhất khi nhiễm cúm H1N1. Ông Hiển cho biết:

Ảnh: L.Anh

– Theo kết quả giám sát trọng điểm, sau tám tháng không phát hiện được bệnh nhân hoặc có sự lưu hành rất thấp của chủng cúm H1N1 đại dịch, thì từ cuối tháng 11-2010 đến nay có chiều hướng gia tăng sự lưu hành của chủng virut này ở một số địa phương như TP.HCM, Khánh Hòa, Đồng Nai và Hà Nội.

Đa số các ca nhiễm cúm ở thể nhẹ, phân tích các chuỗi gen của virut cúm tại Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư cho thấy chủng virut cúm A/H1N1 mùa này tương đồng với chủng H1N1 xuất hiện năm 2009, cũng như các chủng đang lưu hành trên thế giới.

* Nhóm bệnh nhân nào có nguy cơ biến chứng cao nhất với dịch cúm, thưa ông?

– Mặc dù phần lớn người bệnh nhiễm cúm H1N1 chủng virut 2009 đều ở thể nhẹ, không biến chứng, bệnh có thể tự khỏi, nhưng những nhóm người sau cần đặc biệt lưu ý khi có biểu hiện của hội chứng cúm, đặc biệt có biểu hiện khó thở, tím tái, ho ra máu, ho có đàm đặc, sốt cao trên 38,5 độ và kéo dài từ ba ngày, phản ứng chậm, li bì thì phải đến cơ sở y tế để được điều trị, tránh biến chứng nặng và tử vong. Đặc biệt với phụ nữ mang thai, người mắc các bệnh mãn tính như phổi mãn tính, tim mạch, tiểu đường, hen phế quản, HIV/AIDS, béo phì…

* Ngày 10-8-2010, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tuyên bố chấm dứt dịch cúm, đã kéo dài ở cấp độ 6, cấp độ dịch cao nhất, trong hơn một năm trước đó. Theo ông, giai đoạn này dịch đang trở lại ở cấp độ nào và khả năng gây hại ra sao?

– WHO tuyên bố chấm dứt giai đoạn 6 của đại dịch, bước vào thời kỳ hậu đại dịch, điều đó không có nghĩa virut cúm H1N1 đại dịch biến mất mà tiếp tục lưu hành như cúm mùa thông thường ở các năm tới. Như đã nói, tỉ lệ tử vong ở bệnh nhân cúm H1N1 đại dịch thấp hơn so với cúm mùa thông thường, nhưng gây bệnh nặng ở nhóm trẻ tuổi và nhóm nguy cơ cao.

Tính đến giữa tháng 1-2011, bệnh nhân cúm tăng lên ở Bắc Mỹ (chủ yếu là chủng cúm A/H3N2), ở Trung Đông và châu Âu, đặc biệt là ở Anh. Bệnh nhân nặng, tử vong do cúm thời gian qua tại Trung Đông và Anh có 78% mắc bệnh mãn tính.

Năm nay nhiễm cúm thường đồng nhiễm với virut gây bệnh khác như phế cầu, liên cầu, não mô cầu, làm bệnh nặng hơn và tử vong. Tại châu Á, Nhật Bản và một số nước Đông Á khác cũng đang có nhiều bệnh nhân cúm H1N1. Với bệnh này, phát hiện và điều trị sớm rất quan trọng.

Người có nhu cầu tiêm ngừa bệnh cúm có thể tiêm một mũi văcxin ngừa cúm B, cúm A/H3N2 và cúm A/H1N1 đại dịch.

Dự phòng bệnh cúm

Theo ông Nguyễn Trần Hiển, nếu chưa bị nhiễm virut cúm, cần tránh tiếp xúc gần với người mắc bệnh cúm; hạn chế tiếp xúc gần với người có biểu hiện mắc bệnh; hạn chế thời gian ở nơi đông người; tránh đưa tay lên mũi miệng; rửa tay thường xuyên bằng xà phòng hoặc sát trùng bằng cồn; làm thông thoáng nơi ở và nơi làm việc; nâng cao sức khỏe bằng việc ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý và tập luyện thể thao.

Trong trường hợp bị mắc bệnh cúm hay có biểu hiện hội chứng cúm nên ở nhà, nghỉ làm, nghỉ học, tránh tiếp xúc chỗ đông người; thông báo ngay cho cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn; thông báo cho gia đình, bạn bè biết và hạn chế tiếp xúc với người khác.

Cần nghỉ ngơi và uống nhiều nước, che kín miệng, mũi trước khi ho và hắt hơi bằng giấy thấm mềm, sau đó cho vào túi nilông bỏ thùng rác; rửa tay bằng xà phòng và nước sạch thường xuyên, nhất là sau khi ho và hắt hơi; đeo khẩu trang nhằm hạn chế lây truyền ra xung quanh; lau chùi thường xuyên bề mặt, dụng cụ, đồ vật quanh người bệnh bằng các chất tẩy rửa thông thường.

LAN ANH ghi (tuoitre.vn)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *