Tỉ lệ mắc bệnh tim mạch ngày càng tăng

“Trong vòng 25 năm tới, xu hướng tăng cao tỉ lệ tử vong do bệnh tim mạch ở các nước đang phát triển là một dấu hiệu đáng báo động”.

[img]http://www.phunuonline.com.vn/suckhoe-dinhduong/2010/Pictures/huonggiang/drphuoc.jpg[/img]

Đó là nhận định của GS-TS Đặng Vạn Phước, Phó chủ tịch Hội Tim mạch học Việt Nam tại Hội thảo khoa học “Chiến lược kiểm soát nguy cơ tim mạch – hiện tại và tương lai” được tổ chức tại TP.HCM, ngày 27/11.

Lý giải nguyên nhân của thực trạng này, GS Đặng Vạn Phước chia sẻ, ở những quốc gia đang phát triển, quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa cùng với sự thay đổi trong lối sống và sinh hoạt của người dân đã dẫn đến việc tăng cân, tăng huyết áp cũng như tăng lượng cholesterol trong máu. Trong phần lớn trường hợp, lối sống tĩnh tại, ít vận động, hút thuốc lá và chế độ ăn nhiều mỡ là những yếu tố góp phần tăng nguy cơ mắc bệnh.

Nguy hiểm của các bệnh lý tim mạch là quá trình bệnh diễn tiến một cách âm thầm bên trong cơ thể, từ từ hình thành nên các mảng xơ vữa bám và làm thay đổi cấu trúc của thành mạch máu, gây hẹp lòng mạch máu. Mặc dù bệnh vẫn diễn tiến hàng ngày, hàng giờ bên trong cơ thể nhưng triệu chứng của bệnh có thể không biểu hiện ra trong nhiều năm.

Tại hội thảo, các bác sĩ cũng đề cập đến liệu pháp sử dụng statin trong việc phòng ngừa và điều trị bệnh lý tim mạch. Đây là một loại thuốc giảm cholesterol trong máu và đã được chứng minh qua nhiều công trình nghiên cứu có thể giúp giảm thiểu nguy cơ nhồi máu cơ tim và đột quỵ một cách hiệu quả.

Với cơ chế hoạt động hạn chế sự tạo thành cholesterol tại gan, các thuốc statin này làm giảm được lượng cholesterol trong máu. Cholesterol xấu, có tên gọi là LDL-cholesterol, giảm đi rõ rệt. Trong khi đó, cholesterol tốt, có tên gọi là HDL-cholesterol, lại tăng lên nhiều hơn. Đặc biệt, việc cải thiện các chỉ số mỡ trong máu như thế giúp làm chậm tiến trình hình thành mảng bám trong thành các động mạch (hay còn gọi tiến trình xơ vữa động mạch). Hiện tượng này cũng đã được chứng minh qua một số nghiên cứu và cũng đã được các hiệp hội tim mạch trên thế giới công nhận. Theo kết quả nghiên cứu của cuộc thử nghiệm lâm sàng năm 2003, việc điều trị thuốc này hàng ngày giúp giảm 54% nguy cơ nhồi máu cơ tim, 48% nguy cơ đột quỵ và 46% nguy cơ can thiệp mạch vành so với sử dụng giả dược.

Bác sĩ Peter Lin, Giám đốc Trung tâm Chăm sóc sức khỏe ban đầu, Viện Tim mạch Canada, cho biết: “Quá trình hình thành mảng bám cholesterol không xảy ra trong một đêm nhưng đột quỵ và nhồi máu cơ tim chỉ xảy ra trong tích tắc. Vì các triệu chứng bệnh không biểu hiện rõ ra bên ngoài trong một thời gian dài nên tốt nhất người bệnh cần quan tâm đến sức khỏe của mình và đến khám bác sĩ thường xuyên trước khi quá trễ”.

Các bác sĩ cũng nhấn mạnh việc nâng cao nhận thức trong cộng đồng về bệnh lý tim mạch là điều rất quan trọng. Mọi người cần có hiểu biết nhiều hơn về các nguy cơ cao dẫn đến bệnh tim mạch như tuổi tác ngày càng tăng, hút thuốc lá, tăng huyết áp, đái tháo đường, tiền sử bệnh tim mạch trong gia đình. Kiểm tra sức khỏe định kỳ là một yếu tố then chốt trong chăm sóc và bảo vệ sức khỏe của bản thân. Bác sĩ sẽ xây dựng chế độ điều trị phù hợp với từng người dựa trên nền tảng là thay đổi lối sống phối hợp với việc sử dụng thuốc.

Hải Ân
(PNO)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *